Đôi Dòng Về Coronoa Virus Mới: 2019-nCoV

1. Một vài số liệu quan trọng đến hết ngày 07/02

• Số ca nhiễm bệnh: 31.487 người
• Số người tử vong : 638, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc, ở Philippines
• Số quốc gia có người nhiễm dịch: 27 quốc gia

Ở Việt Nam đã có 5 tỉnh thành có người nhiễm Virus
Vĩnh Phúc :5
Hồ Chí Minh:  3 bình phục1
Hà Nội:  2
Thanh Hoá: 1 Bình phục 1
Khánh Hoà:  1 Bình phục 1
Cả nhà Click vào đây để cập nhật tình hình mới nhất

2) Liệu virus corona 2019-nCoV có trở thành đại dịch nguy hiểm toàn cầu?
Để trả lời câu hỏi trên cần biết đến 2 tỷ lệ:
• Tỷ lệ truyền nhiễm bệnh: với số liệu cho đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ này đang là 3 – 4. Tức là 1 người nhiễm bệnh, sẽ truyền cho 3 đến 4 người xung quanh.

• Tỷ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh: tỷ lệ đang là 2%. Tức là cứ 100 người nhiễm bệnh, sẽ có 2 trường hợp tử vong.

Tỷ lệ trên nếu so sánh với các dịch bệnh khác như: SARS (tỷ lệ truyền nhiễm=3, tỷ lệ tử vong 9-16%,truyền nhiễm tương tự virus corona mới nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều) ; hay Ebola (tỷ lệ truyền nhiễm=1,5-2,5, nhưng tỷ lệ tử vong cực cao 25-90% tức là 100 người nhiễm bệnh có thể có đến 90 người tử vong) ; hoặc như Sởi (tỷ lệ truyền nhiễm=12-18 tức 1 người nhiễm có thể lây cho 12 đến 18 người nhưng tỷ lệ tử vong chỉ là 0,1-0,2% tức 1000 người mắc bệnh mới có 1-2 người tử vong).
Có thể thấy vào thời điểm hiện tại thì các tỷ lệ của virus corona mới 2019-nCoV chưa đến mức coi đây là dịch bệnh nguy hiểm hơn so với đại dịch SARS, Ebola.
Tuy nhiên đây mới chỉ là các con số ước tính ban đầu. Nếu theo như tình hình thay đổi thì trong những ngày tới sẽ là ngày tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong vẫn còn tăng mạnh, khi chúng ta chưa biết đỉnh của dịch bệnh lần này sẽ là ở đâu.

3) Nếu các số liệu chưa ở mức nguy hiểm, vậy tại sao lại có tình trạng báo động toàn cầu ?
SARS (tháng 11 năm 2002 – tháng 7 năm 2003): cũng là một loại coronavirus có nguồn gốc từ Bắc Kinh, Trung Quốc, lan sang 29 quốc gia, với 8.096 người mắc bệnh và 774 người tử vong. Nếu như SARS đã lây nhiễm 5.237 người ở Trung Quốc, coronavirus Vũ Hán đã vượt qua SARS vào ngày 29/1/2020, khi lúc đó có 5.974 trường hợp mắc coronavirus mới (2019-nCoV). Một ngày sau, vào ngày 30/1/2020, các trường hợp mắc virus corona mới đã vượt qua cả 8.096 trường hợp trên toàn thế giới – là số lượng SARS ở thời điểm cuối cùng vào năm 2003.
Tính nguy hiểm của virus corona lần này không chỉ ở chỗ chúng ta chưa có hiểu biết về virus mới này, chưa có thuốc chữa, hay chưa có vac-xin, mà điểm nguy hiểm còn ở chỗ bệnh được truyền nhiễm ngay cả khi người truyền bệnh chưa có triệu chứng, biểu hiện của bệnh (sốt, ho, khó thở…). Điều này khác hẳn với dịch SARS, là với SARS chúng ta có thể thấy một người có triệu chứng bệnh để cách ly và tránh lây nhiễm. Còn đối với 2019-nCoV, một người trông bình thường, không có biểu hiện cũng có thể lây bệnh cho người khác, chúng ta không biết để cách ly và phòng tránh. Chính vì nguyên nhân này mà nhân viên khách sạn ở Nha Trang khi tiếp xúc với khách Trung Quốc không hề có biểu hiện bệnh, nhưng sau đó nhân viên này đã nhiễm bệnh. Và vị khách này cũng đã nhiễm bệnh sau khi rời khách sạn.
Nếu không có hiểu biết, để cẩn thận khi tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh nhưng chưa có biểu hiện, thì dịch bệnh sẽ bị lan truyền rất nhanh chóng và rất rộng rãi.

4) Việt Nam có đáng lo ngại với dịch bệnh 2019-nCoV ?
Việt Nam là 1 trong 27 quốc gia đã phát hiện người nhiễm bệnh, cả trường hợp trực tiếp từ Vũ Hán đi về, cả trường hợp truyền từ người Vũ Hán đi về cho người đang sống ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã ước tính và đưa ra danh sách 15 thành phố có tỷ lệ cao bị dịch bệnh và sẽ gặp khó khăn trong kiểm soát bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm trong số đó.

Với điểm 3 & 4 thì các biện pháp cho nghỉ học, tránh đi lại, tránh tiếp xúc chéo giữa vùng có người nhiễm bệnh và vùng chưa có người nhiễm bệnh là nên thực hiện.

5) Tóm lại các biện pháp phòng tránh virus corona cho mỗi người là gì?
Thông tin này đã có ở nhiều trang web chính thức, tóm gọn lại, mỗi người nên nhớ:
• Người già và những người mắc bệnh nội khoa từ trước (như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim), người có hệ miễn dịch yếu dễ bị bệnh nặng hơn với virus corona mới. Và 71% số ca nhiễm bệnh là nam giới. Tuy nhiên, bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ giới tính nào cũng có thể nhiễm bị nhiễm bệnh.
• Bảo vệ bản thân: rửa tay sạch sẽ, thường xuyên (xà phòng, gel rửa tay có alcohol)
• Bảo vệ người khác: khi hắt hơi, ho cần che bằng khăn, giấy ăn và vứt ngay giấy ăn vào thùng rác sau đó ; rửa sạch tay sau khi ho ; tránh tiếp xúc với mọi người khi bị ho, sốt ; khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đi khám ngay lập tức.
• An toàn thực phẩm: ăn chín uống sôi ; sử dụng thớt cho thịt sống và thịt chín riêng biệt ; không tiêu thụ động vật bị bệnh.
• Chú ý khi đi chợ hay làm việc tại chợ, đặc biệt các khu ẩm ướt: tránh tiếp xúc với chất thải, thịt hỏng; rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với thịt sống ; đeo găng tay, khẩu trang khi làm việc; thay quàn áo, giặt sạch sau khi làm việc và để lại tại nơi làm việc ; vệ sinh, khử trùng các thiết bị, nơi làm việc.
• Các điểm chú ý trên càng cần được ghi nhớ khi đi công tác, du lịch.
Theo dự đoán của các nhà khoa học thì đến Hè 2020 thì dịch bệnh mới có thể ngừng lại hoàn toàn trong trường hợp tốt đẹp nhất. Thuốc chữa thì hiện nay đang có một một số thuốc có khả năng điều trị được bệnh do 2019-nCoV gây ra. Mặc dù có 300 ngươif tử vong nhưng các bác sĩ cũng đã chữa khỏi cho hơn 300 người khác. Vắc-xin thì khoảng 1-1,5 năm nữa mới có thể có vắc-xin cho virus mới này.
• Dựa trên kinh nghiệm chữa cho các bệnh nhân, chúng ta có thể rút ra một số điểm chung bên cạnh các loại thuốc đã được sử dụng: mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời, giảm đời sống virus ; súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.
• Và mọi biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng, tăng cường miễn dịch đều nên được thực hiện.

TS. Lê Đoàn Thanh Lâm.

Trả lời