Sâm Ngọc Linh trồng đến năm thứ 4 mới ra hạt và được dùng làm giống cho mùa sau.
Sâm Ngọc Linh trồng trên núi cao ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đang vào mùa thu hoạch. 6 xã trên địa bàn huyện này trồng sâm Ngọc Linh, trong đó có hơn 500 hộ dân người Xê Đăng ở 20 thôn.
Các công nhân là người dân địa phương đang thu hoạch hạt sâm. Cây sâm trồng đến năm thứ 3 thì ra hoa, năm thứ 4 mới có hạt để thu hoạch.
Hiện trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có khoảng hơn 500 ha trồng sâm Ngọc Linh, cho thu hoạch khoảng một triệu hạt mỗi mùa ra hoa, được dùng làm nguồn giống để nhân rộng diện tích trồng sâm cho các mùa sau.
Cây sâm khi ra hoa được bọc bằng hộp nhựa có đục lỗ thông hơi để bảo vệ hạt sâm trước thời tiết, chim, chuột…
Theo người dân địa phương, đầu tháng một, cây sâm đâm chồi sau thời gian ngủ đông. Tháng 4 đến tháng 7, cây ra hoa và kết hạt. Tháng 8 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 11.
Mỗi cây sâm có từ 5 đến 20 hạt. Những quả sâm có hạt chín, căng sẽ được thu hoạch trước, hạt xanh thì để lại cho lần thu hoạch sau. Sau mỗi vụ thu hoạch hạt, người Xê Đăng thường tách bỏ phần vỏ hạt, lá và thân để đun nước uống.
Hạt sâm chín đỏ, trên đầu hạt có đốm đen. Đây là đặc điểm quan trọng để nhận dạng và phân biệt củ sâm Ngọc Linh với củ tam thất ở các tỉnh phía Bắc.
Hạt sâm Ngọc Linh sau khi thu hoạch được tách bỏ hộp nhựa và thống kê số lượng, tính tỷ lệ nảy mầm của vụ sau.
Tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác tại Kon Tum đã gọi sâm Ngọc Linh là “quốc bảo”, và đề nghị đưa loại cây trồng này thành “quốc kế dân sinh”. Sau một năm, diện tích trồng sâm ở huyện Tu Mơ Rông đã tăng gần 20 ha.
Hiện trên thị trường mỗi hạt sâm có giá từ 50.000 đến 200.000 đồng, song để giữ nguồn giống nên hạt sâm ít khi được doanh nghiệp và người dân bán ra ngoài.
Người dân địa phương tham gia trồng sâm cho Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum được trả công một phần bằng cây sâm non (hạt sâm ươm lên mầm). Họ đưa cây sâm non này về trồng và thường giữ kín vị trí để bảo vệ vườn cây quý.
Công nhân đóng bao hạt sâm. Người dân địa phương thường ươm mầm hạt sâm vài ngày sau khi thu hoạch.
Theo một số tài liệu, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh Việt Nam có chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, a-xít béo…, trong đó một nửa (26) hợp chất saponin có ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Trung Quốc; còn lại 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.
Ngọc Thành – vnexpress