Người Xơ Đăng quanh năm bám trụ trên núi cao gần 2.000 m để trồng sâm. Họ ngày đêm cùng ăn, cùng ở để chăm sóc và giữ sâm, vì ít khi về lại buôn làng.
Một sáng mùa hè, hơi lạnh làm ông A Nhỏi phải bận thêm chiếc áo dài tay. Ông nhóm bếp đun ấm nước.
– Dậy thôi, trời sáng rồi.
Mọi người trở mình thức giấc, người gấp chăn, người vệ sinh cá nhân, người chuẩn bị đồ ăn. Những hoạt động quen thuộc đã diễn ra ở đây 5 năm, cũng là số năm ông A Nhỏi và 14 người khác trong nhóm làm công việc coi sóc sâm trên đỉnh Ngọc Linh.
Xong xuôi, cả nhóm băng đường đất dốc 45 độ, men theo lối mòn, tiến vào rừng.
“Cháu mệt quá chú A Nhỏi. Hôm nay sao thế nhỉ? Hàng ngày đâu thế này đâu?” – Y Thông (18 tuổi) vừa đi vừa thở.
Ông A Nhỏi cười khẽ, không nói gì. Đi được một đoạn khoảng 200 m, ông ngoái lại nhìn Y Thông, lúc này sắc mặt cô gái đã hồng hào hơn, rồi bảo: “Đó, thấy chưa, đi chút là hết mệt. Lên thấy sâm, thấy quả của nó, cháu lại lao vào chăm, mệt bao nhiêu cũng tan thôi”.
Là phụ nữ, Y Thông nói em không thích đi rừng. Nhưng đây là công việc phụ giúp gia đình bớt nghèo nên dù cực em cũng thấy vui.
Khu rừng trồng sâm cách nhà 2 cây số. Cả đoàn đi khoảng 45 phút tới nơi.
Biệt đội “người rừng” là tên mà chính các thành viên đặt cho nhau. Nhóm gồm 15 người Xơ Đăng, cùng ăn cùng ngủ trong rừng từ năm 2015 với nhiệm vụ bảo quản, trồng mới và chăm sóc 5.000 cây sâm ở nơi núi cao hàng nghìn mét thuộc xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).
Theo người dân ở Kon Tum, mỗi kg củ sâm tươi của họ từng được mua với giá trên 20 triệu đồng. Những củ có số tuổi hơn 10 năm thì sẽ có giá cao hơn. Loại cây này cũng được nhiều người ví von như một mỏ vàng ở vùng núi Ngọc Linh.
Cây giống ươm khoảng 1 năm tuổi được mang đến núi Ngọc Linh gieo trồng. Vì giá trị của sâm lớn, không ít người ở các vùng núi lân cận cũng học cách làm rồi mua cây giống về trồng. Nhưng sâm thường chết hoặc không phát triển được.
Để trồng sâm, người làm cần chọn nơi đất ẩm ướt, dưới chân rừng già để tránh ánh nắng trực tiếp. Khu vực trồng cần có độ dốc nhất định để không ứ đọng nước, sâm không bị chết.
Trong quá trình “nuôi” sâm, người làm cần theo dõi sự phát triển của cây hàng ngày, cắt dọn cỏ tạp để cho cây có không gian sinh trưởng tốt.
Những ngày giữa tháng 7, cũng là thời điểm sâm Ngọc Linh ra hoa, kết quả. Hoa thường mọc tập trung ở trung tâm tán lá, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ.
Mỗi cây sâm Ngọc Linh có 10-30 quả, trong đó mỗi quả chứa một hoặc hai hạt. Giá bán mỗi hạt khoảng 100.000 đồng. Mỗi lon khoảng 1.000 hạt thì giá cũng ngót 100 triệu đồng, giá trị của hạt sâm Ngọc Linh rất lớn.
Sâm chín dễ bị chuột tấn công. Do vậy, “người rừng” tự chế ra những tấm lưới bằng kẽm, dùng để bao bọc quanh chùm hạt, vừa chống chuột, vừa tránh những tác động không mong muốn ngoài tự nhiên, có thể làm hoa quả gãy rụng.
Ngoài ra, mỗi người đều có khoảng đất trên núi Ngọc Linh để trồng sâm cho riêng mình, tổng khoảng 3.000 cây. Đây cũng chính là thù lao mà các thành viên nhận được từ việc làm thuê cho doanh nghiệp này.
Với đồi sâm 3.000 cây, những người Xơ Đăng chăm sóc và duy trì cẩn trọng hơn bao giờ hết. Cây sâm của họ đạt 4-5 năm tuổi, được nhiều người chào mua với giá khoảng 3 triệu đồng/cây. Nhưng mọi người không bán vội vì sâm đang phát triển tốt, càng lâu năm càng có giá trị cao.
Một ngày, bà Y Bin vì cần tiền chạy chữa bệnh cho người thân đã quyết nhổ 3 cây sâm (5 năm tuổi) để bán cho một người quen có nhu cầu với giá 2 triệu đồng/cây, gồm củ, thân và lá sâm.
“Hơn 100 cây sâm đang lớn là tâm huyết của gia đình tôi. Buộc phải thu hoạch lúc này thật không dễ chịu chút nào. Nếu không quá túng thiếu, tôi sẽ không bán đâu”.
Sâm ngọc linh có tác dụng bồi bổ, tăng cường sức khỏe, cùng phối một số loại thảo dược khác để chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, ho… được đánh giá là một trong những thành phần thảo dược quý hiếm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có nơi thu mua sản phẩm sâm của người dân. Chủ yếu họ thu hoạch và tự bán nhỏ lẻ cho những người có nhu cầu.
Toàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp trồng và sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu là sâm Ngọc Linh như rượu sâm, trà sâm, viên nang mềm sâm Ngọc Linh… Một sản phẩm từ sâm với thể tích vừa và nhỏ được bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Theo một lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông, ở Kon Tum, ngoài 2 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, hiện chưa có địa điểm mua bán sâm Ngọc Linh nào khác. Cả 2 doanh nghiệp này cũng không bán củ sâm thô, mà chỉ bán các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm. Cũng theo ông, hiện có nhiều sâm ngọc linh giả được bày bán trên thị trường.
Kỷ lục về môt củ sâm ngọc linh được xác lập năm 2013, khi lương y Phùng Tuấn Giang công bố củ sâm nặng 2,25 kg. Sau đó, củ sâm này được Tổ chức kỷ lục Guiness thế giới xác lập kỷ lục “Củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới”, được chào mua với giá hàng tỷ đồng.
Câu chuyện về củ sâm kỷ lục cũng là niềm cảm hứng cho nhiều người trồng sâm ở vùng đồi núi Ngọc Linh này.
Những ngày nuôi sâm trên núi cao, người Xơ Đăng chú trọng ngăn những người lạ mặt vào khu vực trồng sâm, họ làm rào chắn khu vực trồng bằng dây kẽm và những thanh tre vạt nhọn. Ông A Nhỏi là người trực tiếp trông coi và gác ở khu vực cổng.
Những ngày này, mưa thường đến vào chiều tối. Để tránh mưa, ông A Nhỏi mọi người tranh thủ làm việc từ sáng sớm, đến chiều thì ra về. Họ cùng nhau nấu ăn và nghỉ ngơi trong căn nhà tập thể chỉ 10 m2 giữa rừng già.
Dù nơi trồng sâm chỉ cách buôn làng khoảng 10 km nhưng họ cũng chỉ về thăm nhà vài lần mỗi năm. Đó là lúc gia đình họ có người đau ốm hay tiệc cưới hỏi của người thân.
Còn lại, họ dành thời gian để ở rừng già trông coi sâm. Công việc không quá nặng nhọc, cũng không đến mức mệt mỏi nhưng chiếm nhiều thời gian.
Tất cả thành viên đều sinh sống ở xã Măng Ri, quen biết nhau nhiều năm nên việc cùng sinh hoạt trong cùng một căn nhà chật ních nhưng cũng khá thoải mái. Họ vui đùa với nhau từ trên rừng đến lúc trở về nhà.
Theo Phạm Ngôn